Bình luận vụ TP Hồ Chí Minh lắp camera nhận diện mặt người

sài gòn

Nguồn hình ảnh, Godong/UIG via Getty Images

Một luật sư nói với BBC rằng việc chính quyền TP Hồ Chí Minh lắp đặt CCTV để trợ giúp việc bảo đảm an toàn, trật tự trị an cho người dân "là điều nên làm".

Hôm 13/5, mạng xã hội xôn xao trước tin Trung tâm Điều hành Đô thị Thông minh TP Hồ Chí Minh đã tích hợp hơn 1.000 camera ở các sở ngành, trong đó có nhiều camera có thể phân tích hình ảnh, nhận dạng khuôn mặt.

Phó giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Lê Quốc Cường được dẫn lời trên báo Thanh Niên:

"Khi muốn giám sát một người, sau khi hệ thống camera được thiết lập, chỉ cần người đó xuất hiện ở một hệ thống camera nào đó thì hệ thống tự nhận diện và báo về trung tâm điều hành. Các tính năng phát hiện đám đông, tụ tập, nhận dạng phương tiện, hành vi bạo lực, an ninh trật tự... cũng được thiết lập như vậy. Có nghĩa là sau khi được "huấn luyện", mỗi khi ghi nhận hình ảnh trùng khớp với "huấn luyện", camera sẽ tự động chuyển hướng để ghi nhận và gửi thông tin cho trung tâm."

'Điều nên làm'

Cộng đồng mạng dấy lên quan ngại việc chính quyền lắp camera nhận diện mặt người có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dân.

Hôm 13/5, luật sư Hồ Hữu Hoành nói với BBC: "Nếu đặt ra lằn ranh về quyền riêng tư là rất khó. Việc triển khai hệ thống CCTV của chính quyền, chủ yếu là nơi công cộng, trên đường, các công sở, hoặc các đơn vị cũng cấp dịch vụ công ích."

"Chính quyền có cơ sở để thực hiện việc này. Nó được xem là xâm phạm quyền riêng tư, nếu như các camera đó chỉa thẳng vào nhà dân, hoặc người dân buộc phải gắn trong nhà. Do đó, nếu đặt ra rằng việc chính quyền gắn CCTV là xâm phạm đến quyền riêng tư của người dân thì e rằng ko có cơ sở."

"TP Hồ Chí Minh, với nạn cướp giựt xảy ra thường xuyên, thì việc gắn camera là điều hữu ích cho chính quyền lẫn người dân."

"Hệ thống CCTV không phải là điều mới mẻ trên thế giới. Nên Việt Nam, cụ thể là TP Hồ Chí Minh nếu thực hiện, thì không phải là ngoại lệ. Cần hiểu rằng, CCTV cũng là phương tiện hữu hiệu để hỗ trợ việc đảm bảo an ninh xã hội dưới cái nhìn của người dân và chính quyền. Và chúng ta, chỉ đặt ra vấn đề, nếu như chính quyền áp dụng để chấm điểm tín nhiệm công dân giống Trung Quốc."

"Nếu muốn thực hiện điều đó thì chính quyền cần phải có luật. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay của xã hội, đời sống tại TP Hồ Chí Minh, cá nhân tôi nghĩ việc chính quyền lắp đặt CCTV để hỗ trợ việc bảo đảm an toàn, trật tự trị an cho người dân là điều nên làm."

TP.Hồ Chí Minh

Nguồn hình ảnh, hcmcpv.org.vn

Chụp lại hình ảnh, Trung tâm Điều hành Đô thị Thông minh TP.Hồ Chí Minh

'Quyền riêng tư của công dân'

Hôm 14/5, Facebooker Ann Đỗ nói với BBC: "Theo như tôi hiểu, thứ nhất là việc theo dõi công dân qua camera đã được triển khai giai đoạn một mà không thông qua ý kiến của người dân TP.Hồ Chí Minh. Người dân có quyền đồng ý hay không đồng ý nếu ai đó, dù là chính quyền, được quyền chụp hình/ảnh, quay video, lưu giữ và sử dụng hình ảnh đó của mình, tức việc sử dụng đó phải được chính công dân cấp phép, chiểu theo quyền riêng tư của công dân."

"Chính quyền là bên lập pháp nhưng rõ ràng đã phạm pháp, vi phạm quyền riêng tư của công dân."

"Thứ hai, việc lưu giữ nhận dạng hình ảnh công dân mà chính quyền không thích để ngăn chặn họ tiếp cận những dịch vụ như mua sắm, đi máy bay… nếu bị nhận diện, giống như những gì chính quyền Trung Quốc đã làm thì chứng tỏ chính quyền đang tìm cách cô lập những công dân có thái độ phản kháng hay không hài lòng với chính quyền."

"Điều này cũng vi phạm nghiêm trọng quyền cơ bản của công dân."

Truyền thông Việt Nam không đề cập nguồn gốc các camera nhận diện mặt người đã được lắp đặt ở TP Hồ Chí Minh.

Hồi tháng 11/2018, ông Nguyễn Sĩ Quang, Trưởng ban Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh xác nhận với BBC về việc tiến hành lắp đặt hệ thống này.

Nhưng khi được hỏi thêm chi tiết về hệ thống camera này, ông nói: "Có nhiều thông tin không thể cung cấp qua điện thoại."

Tuy vậy, Reuters thời điểm đó dẫn một báo cáo của Freedom House (Ngôi nhà Tự do, tổ chức phi chính phủ theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu) cho biết Trung Quốc xuất khẩu chính sách hạn chế Internet và các công cụ giám sát kỹ thuật số sang hàng chục quốc gia.

Báo cáo của tổ chức nêu trên cũng tiết lộ Trung Quốc đã tổ chức các cuộc hội thảo về quản lý không gian mạng từ đầu năm 2017 với đại diện từ 36 quốc gia ở Trung Đông và Đông Nam Á.

Theo sau các cuộc hội thảo với các giới chức Trung Quốc là các biện pháp an ninh mạng mới được triển khai ở Việt Nam, Uganda và Tanzania trong năm qua, Freedom House cho biết.

Chụp lại video, Nhận diện khuôn mặt: Nhà nước Trung Quốc thấy hết mọi thứ