Đại án Securency hối lộ: Tố cáo mất việc, không ai vào tù

Securency từng là công ty của Ngân hàng Dự trữ Úc

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, Securency từng là công ty của Ngân hàng Dự trữ Úc

Đại án hai công ty in tiền Úc, Securency và Note Printing Australia, hối lộ ở nhiều nước châu Á để giành hợp đồng in tiền polymer chỉ mới kết thúc tháng 12/2018, sau 10 năm có thủ tục pháp lý kéo dài ở Úc.

Năm 2009, cảnh sát liên bang Úc mở điều tra cáo buộc hối lộ quan chức nước ngoài liên quan Securency và Note Printing Australia, để giành hợp đồng in tiền ở Malaysia, Nepal, Indonesia và Việt Nam.

Thông cáo cuối cùng của cảnh sát Úc cuối năm 2018 cho hay Securency đã nhận tội hối lộ ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Nhưng rốt cuộc, chỉ có bốn bị cáo bị tòa Úc kết án, tất cả vì tội hối lộ chỉ liên quan ở Indonesia và Malaysia mà thôi.

Không ai trong bốn bị cáo này chịu án tù giam.

Truyền thông Úc gọi đây là đại án hối lộ lớn nhất lịch sử Úc.

Trong diễn tiến cho thấy thủ tục pháp lý phức tạp của Úc, mãi đến sau ngày 27/11/2018, khi Christian Boillot, 67, là bị can cuối cùng nhận tội hối lộ quan chức nước ngoài, Tòa tối cao bang Victoria mới gỡ bỏ lệnh cấm báo chí tường thuật.

Các bị cáo đã yêu cầu tòa ra lệnh cấm chính quyền và báo chí tiết lộ tên tuổi, với lý do bảo đảm họ có phiên tòa công bằng.

Chỉ đến cuối năm 2018, sau khi tòa Úc gỡ bỏ lệnh cấm, báo chí mới được phép công bố thêm thông tin về kết quả các vụ xử.

Ví dụ, mãi đến cuối năm 2018, báo chí Úc mới được đưa tin rằng hai công ty Úc đã bị phạt hơn 21 triệu đôla Úc vì hối lộ.

Án phạt thực ra đã đưa ra từ 2011 và 2012, nhưng tòa cấm tiết lộ cho công chúng.

Đại án điều tra và xử kéo dài suốt 10 năm tại Úc, đem lại lời nhận tội của tám người, trong đó có bốn cựu nhân viên Securency.

Nhưng không có ai phải vào tù, vì toàn bộ án phạt là án treo.

Luật sư người Úc Robert Wyld nói kết quả vụ án Securency "không phải là khoảnh khắc tươi sáng cho các cơ quan công tố, điều tra, quản lý của Úc".

Mất việc vì tố cáo

Bê bối Securency bắt đầu được tiết lộ, khi một người tố cáo, James Shelton, gặp một phóng viên của báo Úc The Age năm 2008 trong quán cà phê ở Melbourne.

James Shelton làm trong nhóm bán hàng (sales) của Securency, trực thuộc Ngân hàng Dự trữ Úc, được hai năm thì thấy có bất thường.

Hai nhà báo, Richard Baker và Nick McKenzie, là nhóm đầu tiên phanh phui vụ việc, cho hay khi gặp mặt, Shelton kể rằng vào tháng 4/2008, ông đã tố cáo lên cảnh sát liên bang Úc nhưng không thấy làm gì.

Tháng 5/2009, một đêm trước khi họ công báo bài báo trên tờ The Age, phó thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc Ric Battelino gọi điện cho nhóm điều tra: "Các anh không đăng chứ hả?"

Ric Battelino nói với báo rằng Ngân hàng Dự trữ Úc đã khẳng định với Securency và Note Printing Australia rằng không được hối lộ qua đại lý và người trung gian.

Vào ngày bài báo được đăng, Ngân hàng Dự trữ Úc rốt cuộc yêu cầu cảnh sát liên bang điều tra.

Sau đó, một người tố cáo thứ hai, Brian Hood, nhân viên của Note Printing Australia, tố cáo với báo The Age về hối lộ ở Malaysia.

Theo báo chí Úc, cả hai người tố cáo, James Shelton và Brian Hood, sau đó đều bị cơ quan sa thải.

Hôm 5/12/2018, sau khi đại án kết thúc, văn phòng tổ chức Transparency International tại Úc kêu gọi: "Từ quá lâu, những người tố cáo ở Úc bị bỏ mặc, thường là bị thiệt hại về sức khỏe, sự nghiệp, chỉ vì làm điều đúng và tố cáo sai trái."

"Không có hành động của James Shelton và Brian Hood, có thể chúng ta không bao giờ biết về bê bối tham ô lớn nhất của Úc - vụ hối lộ quan chức nước ngoài của hai công ty thuộc Ngân hàng Dự trữ, là Securency và Note Printing Australia."

Hai nhà báo, Richard Baker và Nick McKenzie, nói rằng chính phủ Úc đã cố gắng lờ đi vụ việc sau khi nó bị phanh phui.

Đến giữa năm 2011, cảnh sát liên bang Úc loan báo đã khởi tố nhiều cá nhân về tối hối lộ.

Nhưng đến cuối năm đó, tòa án bang Victoria ra một loạt lệnh cấm tường thuật do yêu cầu của luật sư bị cáo, và cả một yêu cầu của chính phủ Úc với lý do không để gây hại cho quan hệ quốc tế.

Hai nhà báo, Richard Baker và Nick McKenzie, cho hay thậm chí sự tồn tại của lệnh cấm cũng không được cho báo chí nói ra.

Không ai bị án tù giam

Cho mãi đến tháng 12/2018, sau khi tòa đã gỡ bỏ lệnh cấm, cảnh sát liên bang Úc mới có thông cáo tóm tắt kết quả vụ án.

Thông cáo cảnh sát liên bang Úc cho hay vào tháng 10/2011, Securency và Note Printing Australia nhận có tội về ba cáo buộc hối lộ ở nước ngoài.

Theo đó, tội của Securency xảy ra ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Tội của Note Printing Australia xảy ra ở Indonesia, Malaysia và Nepal.

Tháng 7/2012, Securency nhận phạt 480.000 đôla Úc, Note Printing Australia nhận phạt 450.000 đôla Úc.

Sau này, tổng cộng mức phạt cho hai công ty là 21,6 triệu đôla Úc - khoản phạt lớn nhất trong lịch sử Úc.

Tháng 7/2012, John Ellery, cựu giám đốc tài chính của Securency, nhận tội làm giả kế toán về khoản tiền trả cho đại lý Malaysia. Bị cáo bị tòa phạt tù 6 tháng, nhưng treo trong hai năm.

Tháng 9/2018, Radius Christanto, đại lý người Indonesia cho Securency, nhận tội hối lộ quan chức ở Indonesia. Bị cáo bị án tù hai năm, nhưng cũng chuyển sang án treo.

Tháng 10/2017, Myles Curtis, cựu giám đốc tài chính của Securency, nhận tối hối lộ quan chức ở Indonesia và Malaysia, làm giả kế toán cho tiền trả cho đại lý Malaysia. Bị cáo bị án hai năm sáu tháng tù, nhưng cũng thành án treo.

Tháng 5/2018, Clifford Gerathy, cựu nhân viên Securency, nhận tội làm giả kế toán cho tiền trả cho đại lý Malaysia. Bị cáo nhận án tù ba tháng, thành án treo.

Ngày 27/11/2018, Christian Boillot, cựu nhân viên Securency, nhận tội hối lộ quan chức ở Malaysia. Bị cáo bị tòa tuyên hai năm sáu tháng tù, nhưng được trả tự do ngay lập tức.

Việc kết án Christian Boillot đã kết thúc vụ án Securency và Note Printing Australia.

Công tố viên Úc không thể tiếp tục truy tố bốn bị cáo khác vì tòa nói biện pháp điều tra đã được tiến hành "phi pháp".

Securency sau này được Ngân hàng Dự trữ Úc bán đi, và nay có tên mới là CCL Secure. Note Printing Australia vẫn thuộc ngân hàng này.