Ông Nguyễn Phú Trọng muốn loại bỏ công ty ‘kém, tham ô’?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tăng cường chiến dịch chống tham nhũng từ 2016

Nguồn hình ảnh, AFP Hoang Dinh Nam

Chụp lại hình ảnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tăng cường chiến dịch chống tham nhũng từ 2016

Một ý kiến bình luận nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nay muốn chiến dịch chỉnh Đảng nhắm vào các công ty nhà nước làm ăn thua lỗ.

Bài nhận định của nhà báo David Hutt hôm 14/05 với tựa 'Những l‎ý do thật sự của làn sóng chống tham nhũng tại Việt Nam' mở đầu bằng việc nhắc lại câu "đánh chuột không để vỡ bình" của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.

Điều ông Trọng muốn nói đó là chiến dịch sẽ không để gây hại cho chính Đảng Cộng sản.

"Thế nhưng chiến dịch chống tham nhũng từ năm 2016 đã xử l‎ý nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cũng như các quan chức hoặc chính khách có nhiều quan hệ.

"Phải kể đến là cựu Chủ tịch Ocean Bank là Hà Văn Thắm và cựu Bí thư thành ủy Tp HCM Đinh La Thăng.

"Petrovietnam hiện cũng đang bị soi đèn trong vai trò đầu tư và mất hơn nửa tỉ đô la vào các dự án tại Venezuela".

Theo tác giả, đã có một số l‎ý do mà giới quan sát lâu nay vẫn gán cho cho cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng, ví dụ:

Thứ nhất, từ 2016 tới 2017, chiến dịch muốn loại bỏ các lãnh đạo doanh nghiệp và chính khách gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thứ hai, chiến dịch mang tính chất "đạo đức", nhằm loại bỏ những đảng viên bị cho là không trung thành, hoặc không còn đủ lý tưởng chính trị.

2017 và 2018 chứng kiến một loạt vụ xử đại án.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 2017 và 2018 chứng kiến một loạt vụ xử đại án.

Lý do mới?

Nhưng bây giờ, tác giả David Hutt cho rằng có thể chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng được hướng tới một mục tiêu mới. Lần này, là để cải thiện kinh tế Việt Nam, bớt đi mục tiêu chính trị.

"Điều mà Đảng Cộng sản đối diện là hệ thống kinh tế có quá nhiều công ty nhà nước (12.000 vào năm 1996 và còn khoảng 500 vào năm ngoái mặc dù chính phủ muốn giảm xuống còn 103 vào năm 2020).

"Hệ thống các doanh nghiệp nhà nước này ngốn nhiều tiền, ít khi mang lại lãi và có cơ chế quản lý yếu kém. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng khi tài chính nhà nước trong tình trạng mong manh, nợ công tăng và thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây".

Trước thách thức về doanh nghiệp nhà nước, David Hutt nhận xét Việt Nam có ba lựa chọn giải quyết.

Thứ nhất là tăng cường rà soát và tăng chi cho các doanh nghiệp nhà nước, là cách mà có thể không thấy lợi tức đầu tư tốt trong tương lai nhưng sẽ đảm bảo sự hỗ trợ cho Đảng về ngắn hạn từ giới giám đốc điều hành các công ty nhà nước và nhân viên.

Sự lựa chọn này giúp tránh để khu vực tư nhân lấn át toàn bộ nền kinh tế vốn do Đảng định hướng.

Giải pháp thứ hai là thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp quốc doanh và bán tất cả các doanh nghiệp nhà nước và huy động hàng tỷ đô la trong quá trình này (chẳng hạn như thương vụ bán Sabeco với giá 4,8 tỷ USD vào năm 2017) và sau đó tập trung vào quản lý kinh tế từ xa.

Giải pháp thứ ba, theo tác giả là thoái vốn từ càng nhiều công ty nhà nước càng tốt và chỉ giữ lại các công ty làm ăn tốt. Hướng đi này thực ra là có sự can thiệp của Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước, hay còn được gọi là "siêu ủy ban", nắm 19 tập đoàn lớn với tổng trị giá tài sản khoảng 99 tỉ USD. Theo tác giả, rõ ràng là Đảng muốn có sự giám sát nhiều hơn về các doanh nghiệp nhà nước lớn nhất - và có lẽ nắm được rõ ràng hơn về năng lực của các doanh nghiệp này.

David Hutt cho rằng, từ góc nhìn của Đảng Cộng sản, có lẽ lựa chọn thứ ba là ưa thích nhất.

Tuy nhiên vấn đề ở đây là giới đầu tư tư nhân thấy có quá nhiều rủi ro, chẳng hạn như việc Vinalines phát hành IPO với việc bán 1% cổ phần của hãng.

Nói cách khác đi là chỉ có công ty nhà nước nào làm ăn có lãi, tức là chính các doanh nghiệp mà nhà nước muốn giữ lại, thì tư nhân cảm thấy hấp dẫn bỏ tiền vào để đầu tư.

Vì vậy, tác giả cho rằng có vẻ như điều mà Việt Nam đang làm bây giờ, đó là tìm ra các công ty nhà nước làm ăn tốt nhất, và loại bỏ các công ty kém cỏi, tham ô.

David Hutt là một nhà báo chính trị đóng tại Campuchia và đóng góp bài vở cho tờ Diplomat và các ấn phẩm quốc tế khác.

Bài bình luận của ông David Hutt tình cờ lên mạng Asia Times hôm 14/5, đúng ngày ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại trên truyền hình nhà nước, sau 1 tháng nghỉ ốm.

Hôm 14/5, tại một cuộc họp được tường thuật, ông Trọng nói: "Phải làm tiếp một vài vụ cho ra. Các đồng chí không được nghỉ ngơi, không được có cái gì người ta cảm thấy là chùng xuống cả. Có khi phải làm mạnh hơn nữa thì mới tốt".